Chương trình xây dựng và phát triển nhà ở xã hội

Nha o xa hoi

Contents

I. Vị trí xuất phát: đất nước còn đang khó khăn

Từ xưa tới nay, một trong những mục tiêu quan trọng của con người là ngoài những nhu cầu thiết yếu như: ăn, mặc, đi lại, học hành, khám chữa bệnh…thông thường đều nói tới “an cư lạc nghiệp”, nghĩa là mỗi người, mỗi gia đình phải phấn đấu cật lực để có một căn nhà để ở.

Khảo sát các nước tiên tiến có ngành kinh tế mạnh trên thế giới như Mỹ, Pháp , Anh…hầu hết tại các khu dân cư đô thị có đến hơn 60% dân số ở nhà thuê hoặc mua nhà trả góp dài hạn (kéo dài đến 30 năm), kể cả với những người có thu nhập khá. Một số rất ít người trả đủ tuền nhà một lần.

Xuất phát từ chỗ nước ta còn khó khăn về kinh tế, vấn đề “an cư lạc nghiệp” nên hiểu theo nghĩa thoáng hơn – người nhân phải có nhà để ở nhưng không nhất thiết phải là nhà mua. Do vậy chương trình xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian đầu (ít nhất 10 năm) Nhà nước xây nhà cho các đối tượng thuê dài hạn, không bán.

Vì là nhà để phục vụ các đối tượng khó khăn của xã hội nên giá cho thuê phải tính thấp thì người thuê mới có tiền để trả.

Mặt khác, khi chỉ cho thuê thì người được thuê không có quyền bán, như vậy mới giữ được ý nghĩa tốt ban đầu của chính sách nhà ở, tránh việc mua đi bán lại…gây xáo trộn thị trường.

Sau này khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, người dân có thu nhập khá lên có thể chuyển sang mua.

II. Xác định đối tượng được Nhà nước xem xét giải quyết cho thuê, mua nhà trả góp dài hạn

Xuất phát từ chính sách an sinh xã hội và mục tiêu phát triển của từng địa phương để xây dựng kế hoạch và xác định đối tượng ưu tiên.

Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM và Hà Nội, số lượng dân nhập quá lớn hình thành lên những khu nhà ở ổ chuột, tạm bợ, nhu cầu nhà ở lại càng trở nên bức bách hơn. Giải quyết vấn đề này, từng địa phương đã xây dựng các khu công nghiệp để thu hút lực lượng lao động trở về địa phương. Cũng như các chính sách phát triển nông thôn sẽ góp phần giữ chân người nông dân khi cuộc sống của họ được cải thiện. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn nữa cuộc sống tinh thần, một số phương tiện giải trí tối thiểu. Có nhiều công nhân trẻ không thích về khu công nghiệp tại quê nhà vì đã quen cuộc sống ở đô thị với nhiều phương tiện giải trí hơn.

Đối tượng để xem xét trong chính sách phát triển nhà ở tại thành phố phải hạn chế làn sóng nhập cư – nghĩa là không cung cấp chỗ ở giá rẻ cho người nhập cư…ngược lại chính sách nhà ở tại địa phương phải khuyến khích người lao động trở về nhà, đồng thời phải đặc biệt quan tâm đến người lao động có trí thức, có tay nghề – hãy dành những ưu tiên đặc biệt cho họ. Nếu có nhiều tri thức trẻ, nhiều lao động có tay nghề cao về với địa phương sẽ giúp địa phương nhanh chóng phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giữa cuộc sống đô thị và nông thôn.

Cũng tinh thần trên, tại thành phố cũng cần đề cao vai trò tri thức, ngành nghề cần thiết khi xác định đối tượng ưu tiên. Ngoài ra có thể kết hợp thêm các chỉ tiêu thành phố đang cần phát động như: sinh đẻ có kế hoạch, gia đình văn hóa mới, bảo vệ môi trường…

Diện chính sách, gia đình cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ…diện bị đền bù giải tỏa cũng nằm trong đối tượng này.

Tuy nhiên, vì ngân sách eo hẹp, có thể tùy nhu cầu phát triển của từng địa phương để xét đối tượng ưu tiên. Có thể với địa phương này thì gia đình chính sách là bức bách nhưng ở nơi khác, mục tiêu huy động công nhân tay nghề cao, trí thức được đặt lên hàng đầu…

Từ việc xác định đối tượng xem xét, giải quyết cho thuê nhà trong chương trình này mới thy được ý nghĩa quan trọng và sâu sắc của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

III. Chương trình phát triển nhà ở phải hướng tới sự phát triển bền vững

Chương trình xây dựng và phát triển nhà ở xã hội sẽ phát triển thành nhiều cụm xen kẽ với các khu đô thị khác. Vì vậy, nên quy hoạch tương đối khang trang, tỷ lệ giữa mật độ xây dựng, cây xanh, đường sắt, công trình phúc lợi…được giải quyết hợp lý.

Cũng không thể do tiết kiệm quá mức cho giá thành một căn nhà, căn hộ …để sau này phải sửa đi sửa lại…tiêu chuẩn căn hộ nên từ 65m2 trở lên, tránh hình thành những căn hộ quá nhỏ.

Để không tạo ra cách biệt trong xã hội và ấn tượng không tốt trong yếu tố tâm lý của người dân sống trong khu vực này, ngay cả việc đặt tên gọi cho khu dân cư này cũng phải thận trọng. Một ví dụ trong thực tế tại quận 7, “khu tái định cư Tân Quy Đông” được quy hoạch cải tạo xây mới có cơ sở hạ tầng rất khang trang. Nhưng giá nhà đất tại đây thấp hơn hẳn so với khu vực xung quanh. Trong trường hợp với tên gọi “Khu dân cư dành cho người thu nhập thấp” thì có lẽ giá cả còn chênh lệch hơn nhiều.

Nên thống nhất không đặt tên đặc biệt cho các khu dân cư phát triển, chỉ gọi chung là “khu dân cư…” như các dự án khác
Và quan trọng hơn tất cả là xây dựng khu vực này thực sự tốt, xem đây là điểm nhấn trong chủ trương “an sinh xã hội” của nhà nước.

IV. Nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng và phát triển nhà ở

Ngân sách khó có khả năng một mình đảm đương nhiệm vụ này. Có thể huy động mọi nguồn lực trong xã hội.

1. Nguồn vốn từ các công ty kinh doanh bất động sản, công ty đầu tư xây dựng khu công nghiệp

  • Khi xây dựng khu công nghiệp nên có tỷ lệ đất phục vụ nhu cầu ở của công nhân, ưu tiên đặc biệt cho lao động có tay nghề cao. Khu nhà ở công nhân nên ở bên ngoài vòng rào của khu công nghiệp, tránh cho người lao động ra vào khó khăn.
  • Khi xây dựng khu dân cư cũng nên quy tỉ lệ đóng góp bằng căn hộ hoặc bằng tiền – không nhất thiết phải ở trong quy hoạch của khu dân cư đó – có thể đóng góp bằng cách xây dựng tại khu đất khác do Nhà nước chỉ định.

2. Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

Nhà nước quy hoạch đất, doanh nghiệp bỏ vốn tự có và một phần vốn vay ưu đãi để xây dựng và cho thuê, bán trả góp…có chính sách miễn thu tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp…

3. Nhà nước phát hành trái phiếu nhà ở lãi suất thấp, kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia.

4. Các ngân hàng nhận chỉ tiêu cho vay lãi suất thấp phát triển nhà ở…

Rate this post